Trên Facebook cá nhân, TS. Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân), một trong số ít người Việt lọt vào top 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới theo xếp hạng của RePEC, có một ví von gây được chú ý của rất nhiều người về đào tạo tiến sĩ ở nước ta: làm nghiên cứu sinh (NCS) cũng như Đường Tăng đi lấy kinh.
Sở dĩ anh Cường có phép so sánh này là bởi anh ước tính để tốt nghiệp, một NCS ở Việt Nam sẽ phải trải qua quy trình bao gồm 81 bước - tương đương với 81 kiếp nạn của Đường Tăng trên đường thỉnh kinh. Đối sánh với việc đào tạo tiến sĩ (TS) ở các nước phát triển, tôi cũng thấy, một NCS ở đó cũng phải trải qua 81 bước.
Trong bài này, tôi sẽ phân tích điểm giống và khác giữa 81 bước làm NCS Việt Nam và NCS ở các nước phát triển là gì? Hay nói như cách của TS. Cường, “kiếp nạn” của “Đường Tăng” khi lấy “kinh” ở Việt Nam thì khác gì so với ở nước ngoài?
Theo TS. Nguyễn Việt Cường, 81 “kiếp nạn” của NCS ở Việt Nam sẽ bao gồm những bước sau: “1 bài báo để được nhập học + 3 phản biện đề cương + 3 phản biện tiểu luận + 3 phản biện chuyên đề + 7 phản biện hội đồng bảo vệ luận án cấp cơ sở + 2 phản biện kín + Gửi tóm tắt cho 50 tiến sĩ (thu về 15 nhận xét) + 1 thông cáo báo chí + 7 phản biện hội đồng nhà nước + 1 sách + 2 bài báo + 1 kỷ yếu hội thảo. Tổng cộng đúng 81 bước”.
Tôi xin lấy ví dụ về 81 “kiếp nạn” của một người bạn làm NCS ở một nước phát triển để đối sánh như sau: “1 đề cương nghiên cứu khi đăng ký học + 2 thư giới thiệu + 1 bài thi tiếng Anh đầu vào + 1 bài thi GRE (bài thi điều kiện để nhập học nghiên cứu sinh) + 2 vòng phỏng vấn xin học bổng + 1 lần khám sức khỏe + 1 lần xin visa + 32 bài thi/bài luận tương ứng với 16 môn học trong 2 năm đầu (mỗi kỳ 4 môn, 1 năm 2 kỳ, 1 môn có 2 bài thi/bài luận) + 2 bài thi chất lượng để chuyển từ giai đoạn lên lớp sang giai đoạn viết luận văn + 1 lần xin hội đồng đạo đức thông qua kế hoạch nghiên cứu + 2 lần kiểm tra đạo văn luận án + 5 phản biện đề cương 3 chương đầu luận án + 7 phản biện bảo vệ cấp cơ sở + 7 phản biện bảo vệ lần cuối + 8 phản biện hội thảo (4 hội thảo, mỗi hội thảo 2 phản biện) + 8 phản biện cho bài báo khoa học (công bố 2 bài báo, mỗi bài 2 phản biện, mỗi phản biện nhận xét 2 lượt). Tổng cộng cũng đúng 81 bước”.
Minh họa: Hùng Dingo.
Hẳn nhiên là cách tính của TS. Cường cũng như của tôi chỉ có tính ước lệ. Điều đó nghĩa là con số “81” chỉ là con số tượng trưng. Thực tế thì có thể nhiều hoặc ít hơn như vậy, dù là ở Việt Nam hay nước ngoài.
Nhưng dù là ít hay nhiều hơn con số 81 thì tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi, những người có cả trải nghiệm về đào tạo TS ở nước ngoài, đều có chung một số nhận định khi so sánh về các “kiếp nạn” mà “Đường Tăng” phải trải qua trên đường đi thỉnh “kinh”.
Cụ thể, chúng tôi đều đồng ý với nhau, thỉnh “kinh” trong nước hay nước ngoài thì đều mệt. Nhưng cái mệt trong nước thì làm “Đường Tăng” khổ sở; còn cái mệt ngoài nước thì tuy mệt nhưng nếu trải qua được thì sẽ thấy sướng.
Nguyên nhân là bởi “81 kiếp nạn” trong nước thì có quá nhiều “kiếp nạn” liên quan đến thủ tục, hành chính, giấy tờ hơn; còn “kiếp nạn” ở nước ngoài thì phần nhiều là liên quan đến chuyên môn. Xin thử đưa ra ví dụ sau để minh họa:
Với tiêu đề luận án, luận án TS ở Việt Nam là phải chốt trước khi bảo vệ hàng năm trời. Tên luận án sẽ được ban hành trong một quyết định do hiệu trưởng ký với sự tham gia của phòng quản lý đào tạo. Nếu trong quá trình làm nghiên cứu, nếu hướng nghiên cứu bị đổi vì lý do khách quan thì NCS sẽ phải làm đơn và chờ nhà trường phê duyệt đổi tên bằng một quyết định khác.
Tên luận án TS ở nước ngoài hoàn toàn do giáo viên hướng dẫn và NCS quyết định vì phải nghiên cứu xong, có đủ kết quả thì mới có thể biết chắc nghiên cứu của mình bao gồm những gì để đặt tên. Bản thân luận án TS của tôi chỉ được chốt tên trước ngày bảo vệ 7 ngày, do GV hướng dẫn quyết định vào phút chót.
Một điểm khác nữa giữa làm NCS trong nước và nước ngoài là ở chỗ, mặc dù cùng trải qua “81 kiếp nạn” nhưng “81 kiếp nạn” ở Việt Nam trông vậy mà lại rất lỏng lẻo và khi có vấn đề không mong muốn xảy ra thì không biết phải xử lý như thế nào. Điều này khác với “81 kiếp nạn” ở nước ngoài, có mức độ đảm bảo về quy trình và chất lượng tốt hơn nhiều.
Ví dụ, ta vẫn còn nhớ năm ngoái có một sự kiện thu hút nhiều quan tâm của truyền thông, đó là việc một giáo viên thắng kiện Bộ GD&ĐT tại tòa dân sự. Theo đó, Bộ GD&ĐT phải rút lại quyết định không công nhận bằng TS của giáo viên này (bắt nguồn từ kết luận đạo văn trong luận án của ông này trước đó của hội đồng thẩm định).
Điều này nghĩa là, kể cả khi hội đồng chuyên môn đã ra kết luận, việc thu hồi bằng TS của Bộ GD&ĐT vẫn không thể thực hiện được vì trong quy trình thực hiện còn quá nhiều sơ hở, dẫn đến việc tòa dân sự kết luận việc thu hồi là chưa đủ căn cứ.
Điều này hầu như sẽ không xảy ra với đại học nước ngoài, khi để biết có đạo văn hay không đạo văn, người ta chỉ cần đưa vào phần mềm Turnitin, kết quả nếu mức trùng lặp nội dung trên một ngưỡng nhất định (khoảng 10-15%) thì NCS buộc phải sửa lại luận án cho đến khi được thì thôi.
Tác giả: Phạm Hiệp
Link bài báo gốc đăng trên An ninh Thế giới online
https://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/81-kiep-nan-cua-nghien-cuu-sinh-i521041/?fbclid=IwAR05vDnQTWeNfVx1L3rmhHyohTQQ7Go23hJOlhM8TlEZigSH_G7ZmtVArII
81 kiếp nạn của nghiên cứu sinh
Reviewed by VinhHD
on
21:49
Rating:
Không có nhận xét nào: